Cầu thủ Việt xuất ngoại: Bao giờ mới thành công ?

Từ trước đến nay, việc xuất ngoại của các cầu thủ Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới chuyên môn cũng như người hâm mộ. Thế nhưng, từ Công Vinh 10 năm trước cho đến Công Phượng ở thời điểm hiện tại, thành công là thứ gì đó quá xa xỉ.

Những ngày gần đây, khi phong độ cũng như thành tích của các cầu thủ Việt Nam tại các giải đấu nước ngoài vô cùng tồi tệ, người ta mới có thời gian ngẫm lại, liệu đến lúc nào, bóng đá Việt Nam mới có một cầu thủ thực sự thành công ở các giải đấu quốc tế bằng thực lực cũng như tài năng của chính họ. Ở đội tuyển Việt Nam hiện tại, những cái tên đang xuất ngoại đều là những thành viên chủ chốt như thủ môn Đặng Văn Lâm (Muangthong United – Thái Lan), Xuân Trường (Buriram United – Thái Lan) và Công Phượng (Incheon United – Hàn Quốc). Tuy xuất phát điểm khá tốt sau thành công tại các giải đấu lớn trong năm 2018 cũng như đầu 2019, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các cầu thủ nói trên đều tỏ ra khá mờ nhạt tại CLB của họ khi Công Phượng cũng như Xuân Trường không thường xuyên được ra sân. Còn về phía Đặng Văn Lâm, thủ thành của đội tuyển Việt Nam tuy vẫn đều đặn có mặt trong đội hình của Muangthong United, thế nhưng, anh vẫn chưa thực sự tìm lại phong độ vốn có cũng như tạo được niềm tin nơi người hâm mộ đội bóng xứ chùa vàng.


Quay lại 10 năm trước khi Lê Công Vinh khi ấy dưới sự hỗ trợ cũng như giới thiệu từ HLV Henrique Calisto đã có một cuộc phiêu lưu thực sự trên đất Bồ Đào Nha trong màu áo của CLB Leixoes. Dù chuyến phiêu lưu của tiền đạo nội số 1 V-League chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 tháng, các chuyên gia cũng phần nào nhận định được việc, cầu thủ Việt Nam, thật khó có thể thành công ở nước ngoài. Chưa nhắc đến vấn đề chuyên môn, vấn đề đầu tiên mà các cầu thủ của chúng ta phải đối mặt khi ra nước ngoài thi đấu đó là vấn đề về mặt ngôn ngữ cũng như giao tiếp với các đồng đội. Sự khác biệt về lời ăn tiếng nói cũng như phong cách chơi bóng khiến các cầu thủ của chúng ta trở nên lạc lõng và rất dễ đánh mất phong độ cũng như sự tự tin khi thi đấu. Công Vinh khi đó còn tiết lộ, trong 2 đến 3 tháng đầu tại Leixoes, các đồng đội còn không thèm chuyền bóng cho anh và không coi các cầu thủ châu Á ra gì. Tình trạng hiện tại của Công Phượng cũng như Xuân Trường là không có gì khá hơn người đàn anh ngày trước khi liên tục bị gạt ra khỏi danh sách thi đấu hoặc mờ nhạt khi được tung vào sân. Không phải vì các cầu thủ của chúng ta không đảm bảo về mặt chuyên môn khi rõ ràng chính những con người này đã thi đấu hoàn toàn sòng phẳng với những đội bóng hàng đầu Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar hay Uzbekistan… Các cầu thủ của chúng ta luôn bị đặt trong tình trạng thi đấu đầy áp lực, trước hết là từ phía các cổ động viên, tiếp theo là từ truyền thông khi họ mang trên mình trọng trách phải làm rạng danh bóng đá nước nhà. Dẫu ở quê nhà, người hâm mộ vẫn luôn dõi theo và ủng hộ, thế nhưng, trong một sớm một chiều, các cầu thủ vẫn khó lòng hòa nhập cũng như đạt được những gì khi họ còn thi đấu ở Việt Nam.


Trước viễn cảnh ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại là Nguyễn Quang Hải chuẩn bị có chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha dưới lời mời của CLB Deportivo Alaves, một bức tranh tổng thể về sự khó khăn nơi đất khách quê người đã được vẽ lên một cách chân thực. Dù muốn dù không, Quang Hải cũng nên có sự cân nhắc cũng như sự chuẩn bị tâm lý rõ ràng, vì thành công nơi đấu trường ngoại quốc là điều mà từ lâu, các thế hệ cầu thủ Việt Nam luôn muốn hướng đến.

 

 

Related posts